Thứ 7, 20 Tháng 4 2024
NHẤN ESC ĐỂ ĐÓNG

Tìm hiểu về lần chơi golf của vua Bảo Đại ở Hà Nội

Vua Bảo Đại được biết tới là người đem golf vào Việt Nam. Nhờ những đóng góp từ vị vua cuối cùng của xứ An Nam mà bộ môn golf đã được du nhập từ khá sớm. Một trải nghiệm tuyệt vời nhất và rất là thú vị đó chính là lần chơi golf của vua Bảo Đại khi ra Hà Nội.

Tìm hiểu về lần chơi golf của vua Bảo Đại ở Hà Nội

Trong cuốn sách “Con rồng An Nam” được xuất bản bằng tiếng Pháp năm 1980 tại Pháp, vua Bảo Đại đã viết về thú chơi golf của mình: “Tuỳ từng mùa, tôi cũng chơi golf. Cạnh kinh thành Huế, giữa những đồi cỏ êm đềm, tôi cho lập một sân golf, không khác gì các sân golf trứ danh ở châu Âu, để thường xuyên tập dượt”.

Vua Bảo Đại sau khi thừa kế ngôi vị Hoàng đế cảm thấy mình có quá nhiều thời gian rảnh rỗi để “hoạt động về thể thao” bởi thể chế bảo hộ của chính quyền thực dân chỉ là hư vị. Ông đam mê chơi golf và đã cho xây dựng một sân golf lớn nhất Đông Dương thời đó ở làng Dạ Lê (nay là phường Dạ Lê, thị xã Hương Thuỷ, Thừa Thiên - Huế), cách trung tâm chừng 16 km. Có thể nói, vua Bảo Đại là người đầu tiên du nhập bộ môn thể thao quý tộc này về nước nhà và là một trong những tay golf hàng đầu Việt Nam thủa ấy. 

Trong kho lưu trữ báo chí, tờ Hà Thành Ngọ báo số 1882, ra ngày 10/12/1933, đã đưa tin về việc vua Bảo Đại chơi golf tại một trường đua ngựa (Champ des courses) thuộc địa phận tỉnh Hà Đông (nay là Sân Vận động Quần ngựa). Cụ thể, tờ báo cho biết, trong chuyến Ngự giá Bắc tuần đến Hà Nội cuối năm 1933 của vua Bảo Đại, sáng ngày hôm trước, nhà vua thăm các trường học: “Ba giờ chiều, Hoàng thượng mặc đồ golf, trong sơ-mi, ngoài pi-vô-lơ cụt tay, quần trắng, ống lấp vào trong bi - tất ra trường đua ngựa đánh golf” - nhà vua đã chơi golf khoảng một tiếng đồng hồ với bác sĩ Cartoux và một số người khác. Mãi đến gần năm giờ chiều, cuộc chơi mới tan.

Đính kèm bài báo là hai bức ảnh chụp vua Bảo Đại để đầu trần, tóc chải keo bóng mượt, tay đeo găng trắng, chân đi giày “đờ-cu-lơ” (hai màu đen trắng) đang chăm chú đánh golf. Hai bức ảnh đều được chụp bởi “Photo Khánh Ký” (Hiệu ảnh nổi tiếng xuất phát từ làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá, Hà Đông). Trong đó, một bức ảnh cho thấy nhà vua đang chuẩn bị cú chip đưa bóng từ hố cát lên, bức ảnh còn lại là tư thế putt trên green của vua Bảo Đại. Trong một bức ảnh khác được báo đăng tải, nhà vua được chụp khi đi cạnh các nữ golf thủ người Pháp. 

Qua thông tin này, có thể đoán rằng vào năm 1933, Hà Nội có sân golf được xây dựng trong trường đua ngựa (Sân Vận động Quần ngựa ngày nay). Tuy nhiên, qua tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, trong công điện số 187-cab/sport ngày 27/3/1939 quyền Thống sứ Bắc Kỳ đã yêu cầu Công sứ các tỉnh, Tư lệnh các đạo quan binh, Đốc lí Hà Nội và Hải Phòng cung cấp danh sách đất dành cho sân golf ở địa phương mình quản lý. Theo đó, trong thư trả lời công điện, Đốc lí Hà Nội đã nêu rõ: “Hiện ở Hà Nội không có sân golf, tuy nhiên có một khu chơi golf nằm trong trường đua ngựa”.

Theo thông tin được biết, khu chơi golf trong trường đua ngựa trên được thành lập năm 1927 và mở cửa quanh năm, cách trung tâm Hà Nội khoảng 5 km. Số lỗ golf là 9 lỗ, chiều dài của tuyến chơi là 2.025m. Giá vé vào cửa là 20 đồng/người hoặc/gia đình. Chi phí thuê caddie là 0,25 đồng cho 18 lỗ. Khu chơi golf này thuộc quyền sở hữu của Câu lạc bộ Thể thao Hà Nội. Tổng số hội viên chơi golf là 35 người.

Ngày 13/10/1939, Công sứ Hà Đông đã gửi báo cáo đến Thống sứ Bắc Kì về dự án xây dựng sân golf. Trong báo cáo nêu rõ: Các hội viên chơi golf của Câu lạc bộ Thể thao Hà Nội muốn xây dựng hẳn một sân golf đáp ứng đủ các tiêu chí hơn khu vực đang chơi golf hiện có và khu đất dự kiến là công thổ rộng khoảng 7 ha thuộc làng Vĩnh Phúc và Liễu Giai. Tuy nhiên, dự án đã không thể thực hiện được do sự phản đối của dân làng Vĩnh Phúc và Liễu Giai.

Theo ông Lê Văn Hồ (1915), sinh sống ở phường Dạ Lê, nơi vua Bảo Đại xây sân golf, thì mỗi năm cứ vào mùng Một, mùng Hai Tết Nguyên đán, nhà vua sẽ đánh ô tô xuống sân golf để chơi môn thể thao quý tộc này cùng với những bạn chơi là người nước ngoài. Mà nhà vua chơi golf giỏi đến nỗi giành phần thắng trong hầu hết các trận đấu.

Sân golf Đà Lạt Palace - sân golf lâu đời nhất Việt Nam thường được cho là hình thành dựa trên sở thích và yêu cầu của vua Bảo Đại. Tuy nhiên, theo các tài liệu về quy hoạch và xây dựng của người Pháp để lại thì từ năm 1923, kiến trúc sư người Pháp E. Hébrard đã phác thảo sân golf này ở vị trí quanh khách sạn Đà Lạt Palace. Sân golf được xây dựng đầu những năm 1930, trùng với khoảng thời gian nhà vua về nước. Ngoài ra, việc xây dựng sân golf Đà Lạt Palace không hề được nhắc đến trong cuốn hồi ký của vua Bảo Đại. 

Sau khi gặp gỡ lần đầu với Nam Phương hoàng hậu tại khách sạn Đà Lạt Palace vào cuối năm 1932, thú vui chơi golf của vua Bảo Đại cũng dần gắn bó với sân golf tuyệt đẹp bao quanh khách sạn với hồ nước và rừng thông hùng vĩ còn có tên là Đồi Cù này. 

Ở miền Nam những năm 1930, một sân golf đầu tiên nằm gần sân bay Tây Sơn Nhất (trên công viên Gia Định ngày nay). Sân golf thuộc quản lý của Hội Golf Club de Saigon, mang tên câu lạc bộ, nhưng vẫn thường được gọi là sân golf Gia Định. Sân golf vẫn tồn tại cho đến sau ngày giải phóng miền Nam 30/4/1975 thì ngưng hoạt động và đóng cửa. Bởi Sài Gòn thời điểm đó còn là thuộc địa của Pháp, nên mỗi cuộc viếng thăm của vua Bảo Đại đều hạn chế hoạt động, cũng không có tư liệu gì cho thấy nhà vua đã từng chơi golf tại đây.

Qua cuộc đời đầy ung dung và phong thái đĩnh đạc của mình, vua Bảo Đại đã thể hiện một phong cách sống lịch lãm với sự dung hòa của văn hóa truyền thống và hiện đại. Niềm yêu thích golf của ông cũng hàm chứa một văn hóa và sự nhạy bén tuyệt vời trước thời cuộc.

Hà Chu - TheGolfers.com 

Tham khảo tài liệu: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

Bình luận

Lên trên đầu